4 sai lầm khiến mình lạc lối trên hành trình sự nghiệp

Bạn có bao giờ cảm thấy mình như đang lạc lối giữa con đường sự nghiệp? Như thể dù đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn không thể tìm thấy thành công và hạnh phúc trong công việc? Mình hiểu cảm giác đó, bởi mình đã từng ở đó. Hôm nay, mình muốn chia sẻ với các bạn 4 sai lầm lớn nhất mà mình đã mắc phải trong suốt 10 năm sự nghiệp. Hy vọng rằng những bài học này sẽ giúp bạn tránh được những vấp ngã tương tự và tìm ra con đường sự nghiệp thực của mình.

1. Vội vàng chuyển việc, thiếu tầm nhìn cuộc sống

Trong 10 năm qua mình đã đổi 5-6 công việc. Ngồi nhìn lại mới thấy cứ mỗi khi cảm thấy chán nản, mình lại vội vàng nhảy việc mà không suy nghĩ kỹ càng. Từ công việc quản lý đơn hàng áp lực cao, mình chuyển sang làm nhân sự chỉ vì muốn thoát khỏi áp lực đó. Và rồi từ công việc nhân sự với đầy rẫy thị phi mình đã chuyển sang công việc làm phiên dịch cho nhẹ đầu. 

Mình như con thoi, không dám để một khoảng trống nào nghỉ ngơi, cứ di chuyển qua lại giữa các công việc mà không có định hướng rõ ràng về một bức tranh tổng thể. Mỗi lần như vậy, mình lại cảm thấy mất đi một phần động lực và niềm tin vào bản thân.

Bài học: Khi đứng trước những thay đổi, hãy dừng lại và quan sát đa chiều. Hãy vẽ ra bức tranh tổng thể về cuộc đời mà bạn mong muốn, một đích đến rõ ràng. Khi đã có một đích đến rõ ràng, mỗi bước đi của bạn sẽ trở nên có ý nghĩa hơn rất nhiều. Hãy xem mình đang cảm thấy thế nào và đang ở đâu trong một bức tranh tổng thể ? Đâu là điều khiến bản thân mình thật sự hạnh phúc và đâu là điều mình muốn trải nghiệm tiếp theo. 

2. Không nhận ra vấn đề cốt lõi của bản thân

Trong nhiều năm, mình cứ nghĩ mình chỉ đơn giản là chán công việc. Mỗi sáng thức dậy, mình cảm thấy nặng nề và không muốn đến văn phòng. Mình tự nhủ: “Chắc tại mình không hợp với công việc này”. Nhưng sự thật là, mình không nhận ra rằng tất cả những công việc đó không phù hợp với phong cách sống và giá trị mình theo đuổi. .

Lần gần đây nhất là khi mình làm việc tại công ty gốm. Một công việc mà theo mọi tiêu chuẩn bên ngoài đều được coi là “tốt”: sếp tốt, chế độ ưu đãi, công việc phù hợp với thế mạnh của mình. Vậy mà, mỗi sáng thức dậy, mình vẫn cảm thấy một khoảng trống mênh mông trong lòng.

Bài học: Hãy dành thời gian để lắng nghe trái tim mình. Đặt câu hỏi: “Mình thực sự muốn gì trong cuộc sống này?”. Công việc lý tưởng không chỉ là nơi bạn phát huy được năng lực, mà còn là nơi bạn cảm thấy mình đang sống đúng với giá trị của bản thân.

3. Thiếu kết nối xã hội và sự hỗ trợ

Mình nhớ những ngày đầu đi làm, cứ nghĩ chỉ cần chăm chỉ là đủ. Mình chỉ biết đến hai con đường: hoặc là tiếp tục làm công ty, hoặc là chuyển sang dạy học.

Mình cứ loanh quanh trong vòng tròn nhỏ của mình: từ công ty này sang công ty khác, làm những công việc na ná nhau. Mình không biết rằng ngoài kia còn có rất nhiều cơ hội khác: làm việc tự do (freelance), tham gia các dự án quốc tế, hay thậm chí là những ngành nghề mới mẻ như trợ lý cá nhân từ xa, điều phối các dự án, host các sự kiện hoặc có thể tự vận hành công việc kinh doanh như mình mong muốn. 

Bài học: Đừng ngại kết nối và học hỏi từ mọi người xung quanh. Hãy chủ động tìm kiếm một người mentor – có thể là sếp cũ, đồng nghiệp có kinh nghiệm, hay thậm chí là những người thành công trong lĩnh vực bạn quan tâm. Mỗi cuộc trò chuyện, mỗi sự kiện đều có thể mở ra một cánh cửa mới. Đừng giới hạn bản thân trong khuôn khổ “công việc văn phòng” truyền thống. Thế giới nghề nghiệp đang thay đổi nhanh chóng, và có rất nhiều cơ hội thú vị đang chờ đợi bạn khám phá.

4. Tư duy hạn chế về tiền bạc

Sau rất nhiều nỗ lực, sai và sửa sai cuối cùng mình đã tìm được hướng đi cho công việc mình thực sự muốn làm. Nhưng đến khi đó mình lại tiếp tục mắc sai lầm. Mình không dám nghỉ việc full-time ở công ty vì lo sợ công việc mới không kiếm được nhiều tiền như công việc cũ.

Cũng lại loay hoay mãi, cho đến một ngày, mình gặp được người thầy của mình. Cô bảo rằng: “Nếu tiền không phải là vấn đề, em sẽ làm gì với cuộc đời mình?”. Câu hỏi ấy như một cơn gió, khiến mình “tỉnh ngủ” và thông điệp “đam mê” lại đến để nhắc nhở mình thêm.

Từ đó, mình học cách tách biệt mục tiêu sự nghiệp và tài chính. Mình bắt đầu đặt ra những câu hỏi mới cho bản thân: “Mình muốn để lại điều gì cho cuộc đời này?”, “Đâu là công việc khiến mình cảm thấy có ý nghĩa nhất?” “Điều gì khiến mình thức dậy mỗi sáng với cảm giác hứng khởi? Và bạn biết không, khi bắt đầu suy nghĩ theo hướng này, mình cảm thấy như được giải phóng. Quyết định về sự nghiệp bỗng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Bài học: Hãy tách biệt khía cạnh sự nghiệp và tài chính. Hãy mạnh mẽ tin rằng:Tiền bạc đến  từ tâm hào phóng. Còn sự nghiệp, đó là thứ mình muốn làm để cống hiến, để tri ân cuộc đời này. Hai khía cạnh này hoàn toàn không phải hy sinh cho nhau.

Hành trình sự nghiệp của mỗi người đều có những khó khăn và thử thách riêng. Sai lầm là điều không tránh khỏi, sai lầm cũng chính là chất liệu giúp bạn trưởng thành hơn. Sau tất cả: Đừng quá khắt khe với bản thân vì những sai lầm trong quá khứ. Thay vào đó, hãy xem đó là những bài học quý giá để bước tiếp trên con đường phía trước.

Hãy tin rằng, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu lại. Với sự tự nhận thức, kiên nhẫn và quyết tâm, bạn hoàn toàn có thể xây dựng một sự nghiệp mà bạn yêu thích và tự hào, nhỉ? 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *