Từ khi còn nhỏ, mình đã từng nghe rất nhiều lần câu hỏi kiểu như: “Lớn lên con muốn làm gì?” “Con thích gì?” và “Con muốn trở thành ai?”. Và nhiều người trong số chúng ta, trong đó có bạn và mình đã từng hoặc đang cảm thấy bối rối, không biết cách trả lời thế nào.
Dù bạn đang trong trường hợp tương tự thì cũng đừng lo lắng vì biết rằng bạn không đơn độc. Hầu hết những người xung quanh mình, và hàng nghìn người trên thế giới này – từ sinh viên đến người lớn có nhiều bằng cấp cũng đang phải vật lộn mỗi ngày để tìm ra câu trả lời.
Sự thật là cảm giác lạc lõng, không có mục đích hoặc phương hướng có thể vượt được thông những câu hỏi chất lượng và quy trình đúng. Cùng mình khám phá nhé!
Mục đích sống của bạn là gì?
Sau thời gian dài loay hoay với bản thân, mình nhận ra rằng mục đích sống không đơn thuần là một công việc. Nó là động lực thức dậy mỗi sáng với niềm hân hoan, là điều thôi thúc bạn tạo nên ý nghĩa và kết nối bạn với mọi thứ và mọi người xung quanh
Thật ra, khao khát tìm ra mục đích sống là một điều rất tự nhiên. Ai trong chúng ta cũng muốn biết mình là ai, vị trí của mình trong thế giới này là gì, và làm thế nào để những việc mình làm hài hòa với những điều mình mong muốn. Nhưng có một nghịch lý thú vị: Nhiều người trong chúng ta đã vô tình đánh mất mục đích sống của mình khi cố gắng theo đuổi một kịch bản cuộc đời được xã hội, gia đình định sẵn – học giỏi, vào trường tốt, kiếm việc ổn định, mua nhà, lập gia đình. Chúng ta làm những điều mà người khác kỳ vọng, hoặc những gì xã hội cho là “đúng đắn”.
Rồi một ngày, giữa những bận rộn của cuộc sống, ta chợt nhận ra có một khoảng trống sâu thẳm trong tâm hồn – một cảm giác day dứt rằng cuộc sống còn thiếu điều gì đó quan trọng lắm.
Vậy mục đích sống của bạn là gì? Đây là câu hỏi mà chỉ có bạn mới có thể tự trả lời cho chính mình. Không ai có thể nói cho bạn biết con đường nào là đúng, bởi mỗi người đều có một hành trình riêng để khám phá.
Với mình, có những buổi sáng thức dậy, mình cảm thấy tràn đầy năng lượng chỉ vì nghĩ đến việc sẽ được viết và chia sẻ những điều mình học, trải nghiệm và chiêm nghiệm được. Đó chính là dấu hiệu của việc sống có mục đích – khi bạn háo hức đón chào mỗi ngày mới với niềm hân hoan thực sự.
Những rào cản trên hành trình tìm kiếm
- Kỳ vọng của người khác
Mình còn nhớ rất rõ áp lực khi quyết định rời công việc ổn định để theo đuổi con đường viết lách và phát triển bản thân. Nhiều người không hiểu, thậm chí có người còn nghĩ mình “khùng” khi từ bỏ một công việc “ngon lành” để theo đuổi điều không chắc chắn.
Nhưng bạn biết không, đôi khi những kỳ vọng của người khác – dù xuất phát từ tình thương – có thể trở thành những chiếc lồng vô hình giam hãm ước mơ của chúng ta. Những kỳ vọng này tạo nên điều gì đó để hướng tới, nhưng đồng thời cũng có thể che mờ con đường thật sự của chúng ta. Giống như cách cha mẹ thường muốn con có một công việc ổn định, an toàn, nhưng đối với một số người, con đường đó lại dẫn đến sự trống rỗng về tâm hồn, trở thành một lối mòn chật hẹp dẫn đến sự thất vọng trong tương lai.
- So sánh mình với người khác
Hồi còn đi làm mình hay so sánh bản thân với những người bạn đại học, những người có sự thăng tiến trong công việc, có người có doanh nghiệp riêng và có vẻ rất thành công với những chức danh đẹp đẽ và mức lương cao. Nhưng khi thực sự lắng nghe trái tim mình, mình nhận ra rằng thành công của họ không phải là thành công mà mình khao khát.
Có thể thấy, đa phần chúng ta thường có xu hướng nhìn vào cuộc sống của người khác và muốn có được những gì họ có. Đây là một cái bẫy nguy hiểm vì tìm kiếm mục đích sống là quá trình nhìn vào bên trong, không phải nhìn ra bên ngoài. Nếu chỉ nhìn ra bên ngoài, có thể bạn sẽ bị đánh lừa, khi bạn có được tất cả bạn mới nhận ra đó không phải là cuộc đời mình mong muốn. Như trong trong câu chuyện một người thầy của mình từng kể: Có người chị thành đạt ở Mỹ, ở tuổi 30, chị ấy đã đạt được mọi thứ mình mong muốn: có công ty riêng, nhà hàng, có xe cộ, quốc tịch Mỹ, gia đình hạnh phúc. Vậy mà chị vẫn khóc nức nở trong một chương trình tham gia cùng thầy, chị bảo: “Khi mình nắm tất cả mọi thứ mình nghĩ mình muốn có trong tay thì mới thấy trống rỗng, hoá ra đây KHÔNG PHẢI CUỘC ĐỜI MÌNH MUỐN SỐNG.”
Năm câu hỏi giúp bạn tìm kiếm mục đích sống của mình
Nhiều người thường nói về “mục đích sống” với một sự trang trọng đặc biệt, như thể mỗi linh hồn sinh ra đều mang một sứ mệnh vĩnh cửu, bất biến nào đó. Nếu ý nghĩ này khiến bạn cảm thấy nặng nề và áp lực (giống như mình), thì hãy dừng lại, hít một hơi thật sâu và thả lỏng nhé.
Mình muốn chia sẻ với bạn một cách tiếp cận hoàn toàn khác – nơi bạn không phải đuổi theo một thứ gì đó huyền bí, xa vời. Thay vào đó, hãy xem việc tìm kiếm mục đích sống như việc đào sâu con người bên trong bạn, khám phá những điều đã có sẵn. Đây là hành trình khám phá những phần bị chôn vùi bởi thời gian, bởi những kỳ vọng và định kiến của xã hội. Việc của bạn chỉ là phủi đi những lớp bụi, những vỏ bọc bên ngoài đi và rồi con người nguyên sơ của bạn sẽ xuất hiện. Con người ấy có những mong muốn, những khát khao “rất người” và nó đã có sẵn rồi.
Có thể bạn đang tự hỏi: “Mình có nên từ bỏ công việc hiện tại không? Có nên thay đổi hoàn toàn con đường sự nghiệp? Hay chỉ cần điều chỉnh lại mục tiêu trên con đường hiện tại?”
Đừng vội trả lời. Thay vào đó, chúng ta sẽ cùng nhau lắng nghe tiếng nói từ trái tim. Rồi từ đó, từng bước nhỏ một, xây dựng một cuộc sống hài hòa với những khao khát sâu thẳm bên trong. Mình tin rằng, khi bạn học cách tin tưởng vào chính mình, bạn sẽ có đủ can đảm để ôm lấy những khát vọng và biến chúng thành hiện thực.
Đó chính là cách để tìm ra nguồn cảm hứng và mục đích có thể để sống một cuộc đời vui vẻ và ý nghĩa hơn.
Và hành trình này bắt đầu bằng việc nhận diện những manh mối đã luôn hiện hữu trong tâm trí bạn. Mình tin rằng mục đích sống của mỗi người nằm ở giao điểm giữa điều ta yêu thích và điều thế giới cần. Đó là khi ta vừa được phụng sự người khác, vừa sống một cuộc đời tràn đầy niềm vui. Giống như cách mình tìm thấy niềm vui trong việc viết và chia sẻ, đồng thời điều này cũng giúp ích được cho người khác.
Những “món quà” độc nhất của bạn, thái độ sống và những trải nghiệm của bạn kết hợp với nhau tạo nên một phiên bản lý tưởng của chính bạn. Bạn giữ một vị trí trong thế giới này mà không ai có thể thay thế!
Có thể trước đây bạn đã từng có cảm giác về mục đích sống rồi đánh mất nó, hoặc đã hoàn thành nó theo cách nào đó và giờ lại cảm thấy lạc lối. Tin vui là: Bạn hoàn toàn được phép thay đổi và phát triển. Cuộc sống còn dài và chúng ta có rất nhiều tiềm năng để khám phá!
Nhiều người trong chúng ta đã lạc lối quá lâu trong guồng quay công việc hàng ngày hoặc trong những kỳ vọng của người khác. Có thể chúng ta thậm chí không cảm nhận được sự thôi thúc hướng tới một mục đích cụ thể nào, nhưng trong thâm tâm vẫn có cảm giác rằng cuộc sống phải có điều gì đó hơn thế. Và đó chính là điều chúng ta sẽ cùng nhau khám phá ngay bây giờ.
Bạn đã sẵn sàng chưa? Đừng lo nếu câu trả lời là chưa. Cứ từng bước, từng bước thôi. Đã đến lúc phải thật dũng cảm và không còn sợ hãi nữa.
Khi bắt đầu hành trình tìm kiếm mục đích sống, mình đã dành thời gian thực sự để lắng nghe câu trả lời với những câu hỏi dưới đây và nó hiệu quả với mình. Đương nhiên khi đó mình chỉ làm một cách lẻ tẻ và rời rạc nên tốn rất nhiều thời gian. Nên đây là cơ hội để bạn chiêm nghiệm tất cả những điều này và có thể có câu trả lời trong thời gian ngắn hơn.
Hãy dành ít nhất một giờ để viết ra câu trả lời cho những câu hỏi này. Đừng cố gắng suy nghĩ quá nhiều – cứ để tâm trí tự do khám phá và lang thang đến đâu thì ghi lại đến đó. Không có câu trả lời nào là đúng hay sai cả.
Nếu bạn muốn đào sâu hơn, có thể dành một ngày để suy ngẫm về mỗi câu hỏi. Như vậy bạn sẽ có cả một tuần để thực sự nhìn vào bên trong mình.
- Nếu không bao giờ phải lo về tiền bạc nữa, bạn sẽ làm gì?
Mình biết, ngay lúc này có thể bạn đang mơ mộng về việc nằm dài trên bãi biển, tận hưởng những món ăn xa xỉ và cảm nhân vị gió biển mặn mòi luồn qua từng kẽ tóc. Đây có thể là điều bạn nảy ra khi nói về việc bạn sẽ làm nếu không cần lo lắng về tài chính. Nhưng hãy thử tưởng tượng xa hơn – sau khoảng ba ngày như vậy, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy nhàm chán và muốn tìm kiếm một sứ mệnh, một điều gì đó ý nghĩa hơn để làm.
Vậy nếu không phải lo về công việc hàng ngày nữa nhưng vẫn có thu nhập ổn định, bạn sẽ:
- Dành thời gian học những gì?
- Muốn tạo ra điều gì?
- Đi đến những đâu?
Câu trả lời này đã giúp mình nhận ra rằng, ngay cả khi không cần tiền, mình vẫn muốn viết và chia sẻ. Vì với mình, đó không chỉ là công việc mà là cách để kết nối và mang giá trị đến cho người khác.
- Điều gì khiến bạn sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để theo đuổi?
Trong những ngày tháng còn làm trong doanh nghiệp, có nhiều hôm mình nằm dài mệt mỏi sau suốt một ngày làm việc ở công ty, khách hàng vừa mắng mình thậm tệ vì công ty không thanh toán đầy đủ chi phí như cam kết. Khi đó mình đã thầm ước rằng: “Xin hãy cho con biết, điều gì khiến con có sức mạnh để làm nó mà không biết chán, dành nhiều thời gian cho nó mà không thấy tiếc và sẵn sàng làm lại nếu thất bại?”
Có thể bạn đã từng trải qua cảm giác như mình. Thế nhưng, nhiều người vẫn tiếp tục công việc chỉ vì đồng lương và có lẽ một chút danh tiếng, chứ không phải vì yêu thích nó.
Nhưng hãy nghĩ xem: Điều gì khiến bạn sẵn sàng tiếp tục, ngay cả khi biết sẽ có những ngày khó khăn như vậy? Bởi vì thực sự, việc xây dựng một cuộc sống có ý nghĩa luôn đi kèm với thách thức. Điều bạn cần quan tâm đó là: cuối cùng, điều gì khiến những thử thách ấy trở nên đáng giá?
- Điều gì khiến bạn say mê khi còn bé?
Bạn có nhớ không?
- Có phải bạn vẫn cứ vẽ lên tường dù đã bị mắng?
- Hay bạn thường gõ nhịp trên bàn với bất cứ thứ gì có trong tay – bút chì, đũa, hay một cành cây nhỏ?
- Hoặc có thể bạn không cưỡng lại được tiếng gọi của thiên nhiên, thích chạy nhảy giữa đồng ruộng, leo trèo cây cối?
Mình nhớ hồi nhỏ, mình thường viết nhật ký, sáng tác những câu chuyện ngắn và không ít lần nói bâng quơ với đứa bạn thân là MÌNH MUỐN TRỞ THÀNH NHÀ VĂN. Mình đã bắt đầu gửi bài đăng báo từ năm lớp 8 và vẫn tiếp tục gửi đi khi mình học lớp 12, cho dù chẳng lần nào mình nhận được hồi âm.
Bạn biết không, đứa trẻ bên trong chúng ta thường hiểu rõ thiên chức của mình hơn cả bản thân trưởng thành đã bị quy định bởi xã hội. Nếu điều gì đó khiến bạn cảm thấy niềm vui thuần khiết như một đứa trẻ 8 tuổi, hãy làm nhiều hơn nữa.
- Điều gì khiến bạn sợ bị phán xét?
Thú thực, khi bắt đầu chia sẻ những bài viết đầu tiên, mình rất sợ người khác nghĩ mình “cao đạo” hay “dạy đời”, rồi làm nghề viết lách thì nghèo lắm. Nhưng rồi mình nhận ra rằng, nỗi sợ này chính là tín hiệu cho thấy mình đang đi đúng hướng – vì những điều có ý nghĩa thường khiến ta cảm thấy dễ bị tổn thương nhất.
Chúng ta thường sợ bị đánh giá khi từ bỏ một cuộc sống “thành công” để theo đuổi những giấc mơ “điên rồ”. Nhưng hãy nhớ: Thế giới này, và cuộc đời của bạn, sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhờ những giấc mơ điên rồ ấy! Có những người mặc trang phục thời kỳ thế kỷ 17 và họ làm điều đó một cách tuyệt vời đấy thôi! Bạn cũng có thể tỏa sáng với những điều khác biệt của mình, bởi vì chính sự khác biệt ấy làm nên con người tuyệt vời của bạn.
- Điều gì khiến bạn thực sự bức xúc?
Câu hỏi thường xuyên mình hỏi các cháu của mình đó là: “Cháu thích sau này sẽ có cuộc sống như thế nào? Cháu yêu thích làm công việc gì?”
Câu trả lời của các cháu mình thường là “Cháu không biết.” Những lần như vậy mình đã cảm thấy rất đau lòng và nhiều lần cáu giận với các cháu mình. Tại sao khi nào cũng là không biết, hoặc là cháu thích cái này, hoặc là thích hoặc không thích cái kia chứ? Cảm giác mơ hồ và không có cảm xúc của các cháu khiến trong lòng mình dâng lên cảm xúc vừa giận, vừa thương, vừa bất lực. Giận vì chúng đã không được khơi dậy sự tự tin, tự chủ từ ba mẹ, thầy cô, nhà trường từ nhỏ; thương vì biết rằng sự mơ hồ sẽ phần nào đó làm chậm quá trình phát triển của chúng sau này và bất lực vì chính bản thân mình lúc đó cũng chẳng biết mình thật sự thích gì, muốn gì và giỏi điều gì?
Điều này thôi thúc mình dấn thân học hỏi trong suốt mấy năm qua. Mình đã nghĩ: “Chỉ khi mình sáng rõ bên trong mình rồi thì mới hướng dẫn được các cháu mình, rồi sau đó là con mình cách để chúng tự tìm câu trả lời cho riêng chúng mà thôi. Đây cũng là lý do giúp mình có thêm sức mạnh để chia sẻ những trải nghiệm và kiến thức về việc tìm ra mục đích sống và sống một cuộc đời ý nghĩa.
Còn bạn thì sao? Điều gì khiến bạn nóng đến mức sẵn sàng tranh cãi với người khác? Chủ đề nào, khi bạn bè nhắc đến, khiến bạn muốn nói mãi không thôi?
Thay vì đấu tranh với những người bên ngoài, bạn có thể chuyển hóa cơn giận đó thành động lực cho sự thay đổi tích cực. Nó có thể thắp sáng và thúc đẩy bạn hướng tới những vấn đề đáng để đấu tranh.
Vậy là 5 câu hỏi đã trôi qua. Những câu trả lời của bạn có thể ngắn gọn hoặc dài như một câu chuyện – đều không sao cả. Quan trọng là bạn thực sự dành thời gian để lắng nghe chính mình. Giống như cách mình đã tìm thấy đam mê viết lách và chia sẻ, mỗi người đều có những mảnh ghép riêng cần được khám phá. Hãy để những câu hỏi này dẫn bạn đến gần hơn với bản thân đích thực của mình.
Lắng nghe tiếng gọi từ trái tim
Sau khi trả lời những câu hỏi trên, bạn đã có trong tay một cuốn sổ đầy những suy nghĩ và cảm xúc.
Khi nhìn lại những gì đã viết, bạn sẽ bắt đầu nhận ra những manh mối. Công việc tiếp theo là sàng lọc chúng và đặc biệt chú ý đến cảm xúc của mình. Có thể bạn sẽ phát hiện ra một vài ý tưởng khiến mình xúc động, nhưng chỉ một hoặc hai trong số đó thực sự hình thành thành một viễn cảnh rõ ràng trong tâm trí và chạm đến trái tim mình. Đừng lo lắng. Đó là điều hoàn toàn bình thường. Nếu chưa tìm thấy điều gì đặc biệt, hãy cho phép bản thân nghỉ ngơi một đêm và quay lại với những câu hỏi này vào một thời điểm khác, khi tâm trí và trái tim bạn thực sự sẵn sàng.
Và rồi bạn nhận ra điều gì không? Một khi đã nghĩ đến nó, bạn không thể ngừng nghĩ về nó nữa phải không? Ahihi.
Như cô Judith E. Glaser từng nói: “Giấc mơ từ trái tim là nơi tầm nhìn tương lai gặp gỡ khát khao của con tim.” Đó chính là khoảnh khắc kỳ diệu khi bạn chạm đến điều mình thực sự khao khát.
Mình còn nhớ khoảnh khắc ấy trong hành trình của mình. Khi ý tưởng về việc viết và chia sẻ cứ hiện lên trong đầu liên tục, không thể xua đi được. Ban đầu mình cố gạt nó đi vì nghĩ nó “không thực tế”, “nghề viết không kiếm được nhiều tiền”. Nhưng nó cứ quay lại, dai dẳng như một lời thì thầm không ngừng nghỉ từ vũ trụ.
Những “heart-dreams” này – những giấc mơ từ trái tim – chúng hoàn toàn độc nhất với mỗi người. Chúng có thể là những sứ mệnh ngắn hạn như học một kỹ năng mới, hoặc có thể là những thay đổi lớn trong cuộc đời. Điều quan trọng là hãy chọn điều khiến bạn cảm thấy được lôi cuốn mạnh mẽ nhất và dám bước theo nó.
Bạn có thấy không? Đó chính là hình ảnh của một phiên bản can đảm và mạnh mẽ hơn của chính mình. Một cuộc sống có thể hơi khác một chút, hoặc có thể khác biệt hoàn toàn so với hiện tại. Điều gì đó có vẻ kỳ lạ nhưng tuyệt vời, thậm chí có thể thay đổi cả thế giới?
Đó chính là sứ mệnh mà bạn cần khám phá. Đó là nơi bạn sẽ bắt đầu xoa dịu câu hỏi day dứt trong tâm trí: “Mình không biết phải làm gì với cuộc đời này…”
Lời kết
Mục đích sống của bạn nằm ở giao điểm giữa những gì bạn yêu thích và những gì thế giới cần. Đó là nơi bạn có thể phục vụ người khác trong khi vẫn sống cuộc đời đầy niềm vui của mình.
Chúng ta không đang tìm kiếm một “điều bí ẩn” nào cả Chúng ta đang tìm kiếm những manh mối, những dấu hiệu mà trái tim đang cố gắng chỉ cho ta thấy. Và đôi khi, những dấu hiệu ấy đến một cách thật đơn giản, trong những khoảnh khắc bình thường nhất của cuộc sống.
Mình tin rằng, trong mỗi người đều có một mục đích sống riêng mà vũ trụ đã sắp đặt. Giống như cách những mảnh ghép của một bức tranh lớn, mỗi chúng ta đều có một vị trí độc nhất không ai có thể thay thế.Và bạn biết không, đôi khi những khó khăn, những bế tắc ta gặp phải chính là những dấu hiệu để dẫn ta đến gần hơn với mục đích sống đích thực của mình. Giống như cách mình đã tìm được niềm vui trong việc viết lách sau những năm tháng loay hoay với công việc văn phòng.
Hãy chia sẻ với mình trong phần bình luận: Câu hỏi nào trong số 5 câu hỏi trên khiến bạn suy nghĩ nhiều nhất? Bạn đã bao giờ dành thời gian để thực sự lắng nghe câu trả lời từ trái tim mình chưa?
Nguồn tham khảo: https://www.bravethinkinginstitute.com/