Nghe bố kể chuyện

Mọi người thường hay có kỷ niệm “nằm nghe bà kể chuyện” nhưng mình thì lại nhớ về bố với những câu chuyện về quê nội.

Nhà mình có 5 anh chị em, 3 anh chị đầu lớn hơn tụi mình cả gần 10 tuổi nên thoát ly đi làm sớm. Chỉ có mình và chị kế là gần bằng tuổi nhau nên loanh quanh bên bố mẹ nhiều năm nhất. Khi tụi mình nhỏ bố mẹ cũng không còn trẻ nữa: Mình 10 tuổi thì bố mẹ đã tầm 45, 46.

Nơi gia đình mình sinh sống không phải quê gốc của bố. Khi bố lớn cũng đi thoát ly, gặp mẹ mình và lựa chọn sinh sống ở gần ông bà ngoại. Thế nên, càng về tuổi trung niên bố mình càng hay nghĩ về quê nội với niềm nhớ thương da diết.

Bố mình bảo: “Cả tuổi thơ khó khăn khiến con người ta không thể nào quên được. Các con không ở quê nơi bố đã sinh ra nên không thể hiểu hết. Bố kể lại để các con biết anh, biết em, biết về ông bà, nhớ đến gốc gác, cội nguồn.” Và thế là đặc sản tuổi thơ của tụi mình là những câu chuyện về quê nội.

Mình còn nhớ như in những buổi tối trời mưa, cả căn nhà mất điện, hai chị em mình chui vào hai bên nách bố để nằm nghe bố kể chuyện. Mẹ thì ngồi ở bàn, chậm rãi may và lâu lâu càm ràm vì những câu chuyện bố kể đã cũ rích, có chuyện đã nghe đến hàng trăm lần.

Quê nội mình đẹp lắm, là một vùng đất trung du miền núi, với cây cối bao phủ một màu xanh và bạt ngàn mía, dứa. Ở đây những ngọn núi đá lô nhô, tạo nên sự hùng vĩ, đẹp đến lạ kỳ. “Một thung lũng sâu như trong huyền thoại, lọt tỏm vào vịnh đá vôi có thành cao dựng đứng.” là câu thơ ông chú mình viết trong tập thơ về miền đất ấy.

(Ảnh bố mình chụp với bác cả và chú, bố mình ngồi phía bên phải)

Bố bảo, hồi bố còn nhỏ có một thời gian dài ông nội rời nhà ra sống trong hang đá, cách ly với thế giới bên ngoài. Trong hang đá nơi ông sống có 2 con rắn nằm hai bên, không hiểu sao hai con rắn đó sống với ông như với bạn, không cắn cũng không làm hại. Sau này ông mất hai con rắn cũng tự nhiên không thấy xuất hiện nữa. Mỗi lần muốn vào thăm ông, bố và các chú phải bơi qua một cái ao, gọi là Ao Thăng. Cứ mỗi lần bơi qua ao, lại tạo ra tiếng động, ông ngồi trong hang nói vọng ra:

“Trần Quốc Công tiết chế, Hưng Đạo Đại Vương Vạn tuế Vạn tuế vạn van tuế”

Mỗi lần kể đến đây là tụi mình cười khúc khích và bảo “Ông hâm vậy bố nhỉ”. Nhưng xong cứ đòi bố thuật lại câu ấy đến vài lần mới chịu. Té ra ông mình thờ ngài Trần Hưng Đạo, nghe tiếng động, ông tưởng “Ngài ghé thăm”.

Bố bảo, mỗi lần như thế là tụi bố phải lên tiếng liền không sợ hai con rắn nó tấn công.

“Con đây thầy ơi.”

“Đứa mô đó bay?”

“Thầy ạ, con Thanh, Tịnh , Tân đây.”

“Ừ, vô ăn cơm đi con, còn ít cơm nguội thầy để trong nồi.”

……

“Thầy ơi, thầy nấu cơm kiểu chi mà nhoét như mẻ rứa?”

“À, chắc ma hắn ăn rồi đó con, chứ khi thầy nấu còn cứng. ”

Nghe ông nói vậy, bố, bác và chú mình thường buồn thiu luôn, cơm nhoét rồi sao mà ăn được. Ba đứa trẻ lại cắp bụng đói đi về.

Những câu chuyện như thế mình nghe cả trăm lần vẫn không chán, mỗi lần bố kể là mình biết được bố sẽ kể chuyện gì nhưng vẫn háo hức và chăm chú lắng nghe. Kỳ lạ thật.

Hôm nọ, chú mình gửi lại bức hình hồi trẻ của bố, chú và bác cả và thế là cả bầu trời ký ức lại ùa về. Té ra qua những lời kể của bố, cứ từng chút một hình ảnh về quê hương ngấm vào máu thịt. Mỗi lần bố kể là như mỗi lần được về thăm quê, như được sống lại khung cảnh tuổi thơ của bố, của ông bà. Bảo sao mà suốt hơn 30 năm mình chỉ về quê nội 1, 2 lần, thêm mấy năm một lần các bác, các chú, ác o ghé nhà mình chơi nhưng mình như đã gặp họ từ lâu, rất nhiều lần và như đã rành rọt về mọi ngóc ngách của nơi chôn rau cắt rốn. Sợi dây kết nối vô hình ấy đến từ thứ mà người ta gọi là “gia đình, dòng tộc” và đến từ sự vun đắp của một người con xa quê như bố mình vậy.

Lan Nguyên

17.03.2024

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *