Khi tất cả mọi người nói rằng một công việc ổn định là điều ai cũng nên có, mình phát hiện ra sự thật ngược lại từ câu chuyện của cậu bán trái cây hàng xóm…
Khu phố mình ở có một gia đình mới chuyển đến thuê trọ hồi tuần trước. Họ là người miền Tây với khá đông thành viên sống cùng nhau, gồm: cha mẹ, con dâu, con rể và cháu ngoại.
Điều mình quan sát thấy là trong khi cả nhà ai cũng đi làm công ty thì cậu con rể lại chọn nghề bán trái cây dạo.
Có hôm, thấy cậu đang chất những thùng cam tươi lên xe, mình tò mò hỏi: “Sao em không xin vào làm công ty như mọi người trong nhà?”
Cậu cười hiền: “Em làm công ty được hai tháng thì nghỉ chị ơi. Em thấy gò bó quá, không chịu được. Với em thích buôn bán hơn, em bán từ hồi mười mấy tuổi dưới quê lận.”
Câu chuyện của cậu làm mình nhớ đến chị hàng xóm nhà đối diện, người đã bán bánh cam ở chợ gần 10 năm nay. Một lần trò chuyện, chị kể rằng: khi mới vào Nam lập nghiệp, chị cũng như mọi người xin vào làm công ty. Thế nhưng, “Chị làm đến 5-10 công ty, công ty nào cũng chán sau vài tháng. Cuối cùng chị men men ra các chợ, tìm cơ hội buôn bán. Dù vất vả nhưng thấy vui lắm nên sau cùng chị vẫn bám trụ nghề này.”
Những điều này khiến mình nghĩ rất nhiều về định nghĩa “công việc ổn định” trong xã hội ngày nay. Phải chăng một công việc văn phòng 8-5, lương tháng đều đặn, bảo hiểm đầy đủ – mà nhiều người xem là lý tưởng – lại không phải là con đường dành cho tất cả mọi người?
Không phải ai cũng sinh ra để làm việc trong khuôn khổ
Sự thật là, con người chúng ta sinh ra đã mang những tính cách, thiên hướng khác nhau. Có những người phù hợp với môi trường làm việc có cấu trúc, thời gian biểu rõ ràng. Nhưng cũng có những người khác, như cậu bán trái cây dạo và chị bán bánh cam, lại cảm thấy ngột ngạt trong những khuôn khổ đó.
Mình từng trải qua cảm giác tương tự. Những năm làm việc ở doanh nghiệp, dù có sếp tốt, đồng nghiệp thân thiện, nhưng mỗi sáng thức dậy, mình vẫn cảm thấy một sự nặng nề khó tả. Mình luôn tự hỏi: “Liệu đây có phải là con đường mình muốn đi trong 5 năm, 10 năm, hay thậm chí cả đời?”
Tại sao chúng ta khác biệt trong lựa chọn công việc?
Mình nhận ra rằng sự khác biệt giữa người thích công việc ổn định và người thích tự do không chỉ là vấn đề sở thích bề mặt, mà là những nhu cầu tâm lý và triết lý sống căn bản.
Người phù hợp với công việc ổn định đánh giá cao:
- An toàn và dự đoán được tương lai: Họ cảm thấy yên tâm khi biết chính xác thu nhập của mình sẽ là bao nhiêu trong 5 năm tới, họ sẽ làm gì mỗi ngày, và con đường thăng tiến sẽ như thế nào. Điều này phản ánh nhu cầu an toàn – một trong những nhu cầu cơ bản của con người theo thuyết Maslow.
- Sự công nhận rõ ràng về vai trò và thành tích: Họ tìm kiếm sự xác nhận thông qua hệ thống phân cấp, đánh giá và khen thưởng cụ thể. Đây là nhu cầu về sự tôn trọng và công nhận từ bên ngoài.
- Thuộc về một tập thể có văn hóa và mục tiêu chung: Họ cảm thấy một phần bản sắc của mình gắn liền với tổ chức, vị trí và danh tính nghề nghiệp rõ ràng. Câu “Tôi là kỹ sư tại công ty ABC” giúp họ cảm thấy có vị trí vững chắc trong xã hội.
- Cấu trúc để phát triển bản thân: Lộ trình đào tạo, thăng tiến rõ ràng cho họ sự an tâm rằng họ đang phát triển đúng hướng, không bị “lạc lối” trên hành trình nghề nghiệp.
Trong khi đó, người thích công việc tự do đánh giá cao:
- Tự chủ và quyền tự quyết: Họ coi tự do quyết định thời gian, cách thức và nội dung công việc còn quan trọng hơn cả sự ổn định. Đây là giá trị cốt lõi của những người có khuynh hướng tự định hướng (self-directed).
- Trải nghiệm đa dạng và học hỏi liên tục: Họ thích cảm giác của những thử thách mới, môi trường thay đổi liên tục. Não bộ của họ được kích thích bởi sự mới mẻ, thay vì sự lặp lại.
- Biểu hiện bản sắc cá nhân: Họ coi công việc như một hình thức biểu đạt cá nhân, không chỉ là phương tiện kiếm sống. Họ khó chịu khi phải tuân theo quy chuẩn về cách ăn mặc, cách giao tiếp hay cách làm việc áp đặt từ bên ngoài.
- Kết nối trực tiếp giữa nỗ lực và thành quả: Họ muốn thấy kết quả trực tiếp từ công sức bỏ ra, thay vì chờ đợi kỳ đánh giá hàng năm. Chị bán bánh cam kia có thể thấy ngay kết quả kinh doanh sau mỗi ngày, cảm giác thành tựu đó không dễ có được trong hệ thống công ty.
- Hòa hợp với nhịp sống tự nhiên: Họ cảm thấy ngột ngạt với lịch trình cứng nhắc, ràng buộc 8-5 mỗi ngày. Họ thích làm việc theo những gì thiên về tự nhiên, ốm thì có thể không đi làm, khỏe thì có thể làm nhiều hơn một chút.
Có một nghiên cứu thú vị của nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi về trạng thái “Flow” – khi con người đắm chìm hoàn toàn vào một hoạt động và cảm thấy hạnh phúc tột độ. Nghiên cứu chỉ ra rằng mỗi người đạt được trạng thái này trong những điều kiện khác nhau. Người thích công việc ổn định có thể tìm thấy “Flow” trong một môi trường có cấu trúc, quy tắc rõ ràng. Ngược lại, người thích tự do tìm thấy “Flow” khi được tự do khám phá, sáng tạo và đưa ra quyết định.
Mình tin rằng việc hiểu rõ những giá trị và nhu cầu cốt lõi này sẽ giúp chúng ta không còn đánh giá và áp đặt lối sống của mình lên người khác. Cậu bán trái cây kia không “lười” hay “thiếu tham vọng” – cậu ấy chỉ đang sống đúng với giá trị cốt lõi của mình: tự do, trải nghiệm trực tiếp và kết nối tự nhiên với công việc.
Làm sao để biết bạn cần một sự thay đổi?
Nếu bạn đang làm công việc văn phòng nhưng cảm thấy không hạnh phúc, đây có thể là những dấu hiệu cho thấy bạn cần một sự chuyển đổi:
- Bạn luôn mong đến cuối tuần và sợ thứ Hai
- Bạn cảm thấy kiệt sức mặc dù công việc không quá nặng nhọc
- Bạn thường xuyên mơ về một cuộc sống khác
- Bạn có những ý tưởng sáng tạo nhưng không có cơ hội thực hiện
- Bạn không thấy được ý nghĩa trong công việc hàng ngày
Có lần mình đọc được câu nói rất hay của Lisa Nichols trong cuốn “Giàu có như một cách sống”: “Nếu công việc của bạn không mang lại niềm vui, bạn có hai sự lựa chọn: (1) bắt đầu tiến hành thay đổi công việc ngay từ bây giờ; (2) ngay lập tức điều chỉnh thái độ với công việc chưa-được-hoàn-hảo này và bắt đầu coi công việc đó là nhà đầu tư cho tương lai mơ ước của bạn.”
Chuyển đổi – không dễ nhưng không phải không thể
Mình biết, việc rời bỏ một công việc ổn định để theo đuổi điều gì đó mới mẻ không bao giờ là dễ dàng. Đặc biệt là khi bạn đã qua tuổi 30, có thể đã có gia đình, con cái với rất nhiều trách nhiệm đè nặng lên vai. Nhưng điều này không có nghĩa là không thể.
Nếu bạn đang cân nhắc một sự thay đổi, đây là những bước mình gợi ý:
- Tự khám phá bản thân: Dành thời gian để hiểu rõ điều gì thực sự quan trọng với bạn, đâu là giá trị cốt lõi và đam mê của bạn, bạn muốn TRỞ THÀNH AI, muốn sống cuộc đời như thế nào. muốn tri ân gì cho cuộc sống này.
- Xây dựng kỹ năng mới: Trong khi vẫn duy trì công việc hiện tại, hãy bắt đầu học những kỹ năng cần thiết cho hướng đi mới
- Thử nghiệm: Bắt đầu với những dự án nhỏ vào cuối tuần hoặc buổi tối để xem liệu bạn có thực sự thích hướng đi mới này không
- Tích lũy tài chính: Xây dựng một quỹ dự phòng đủ để bạn có thể sống 3-6 tháng mà không cần thu nhập
- Tìm kiếm người hỗ trợ: Kết nối với những người đã đi con đường tương tự để học hỏi và nhận được lời khuyên
Trong 2 năm gần đây, mình đã áp dụng chính những bước này để chuẩn bị cho việc chuyển đổi từ công việc văn phòng sang công việc tự do hơn. Mình đã học viết, học marketing, tham gia các khóa học phát triển bản thân, và dần dần xây dựng một mạng lưới hỗ trợ. Chặng đường không dễ dàng, nhưng mỗi bước đi đều khiến mình cảm thấy gần hơn với cuộc sống mình thực sự mong muốn.
Không có con đường nào là “đúng” cho tất cả
Câu chuyện của cậu bán trái cây, chị bán bánh và của chính mình đều mang một thông điệp chung: không có con đường sự nghiệp nào là “đúng” cho tất cả mọi người.
Xã hội thường đặt ra những khuôn mẫu về thành công: một công việc ổn định, một sự nghiệp thăng tiến… Nhưng thành công thực sự là khi bạn tìm thấy niềm vui trong công việc, khi bạn cảm thấy cuộc sống cân bằng, có ý nghĩa và khi bạn có thể đóng góp giá trị theo cách riêng của mình.
Vì vậy, dù bạn lựa chọn công việc nào – ổn định hay tự do – đừng để mình bị dính mắc vào những quan niệm “phải thế này, phải thế kia”. Đừng tin rằng “phải làm ổn định mới tốt” hay “làm tự do thì bấp bênh”. Miễn sao bạn thấy vui, công việc bạn làm mang lại giá trị cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội; mỗi bước đi là một sự tiến bộ thì đó đều là công việc bạn nên thử.
Nếu hiện tại bạn đang làm công ty, đã làm lâu rồi nhưng chán ngắt đến tận cổ, nếu bạn đang khao khát thoát khỏi vùng an toàn – hãy cho phép mình thử thách bản thân. Cuộc sống quá ngắn để sống trong sự hối tiếc về những điều chúng ta chưa từng dám thử.
Bạn thân mến, mình muốn kết thúc bài viết này bằng một câu hỏi: Nếu không còn lo lắng về tiền bạc và định kiến xã hội, bạn sẽ làm công việc gì?
Lan Nguyên