Chúng ta thường mơ ước về một cuộc sống viên mãn, thành công và hạnh phúc. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn đạt được những điều này. Nhiều người loay hoay suốt cuộc đời mà vẫn chưa thể chạm tay vào ước mơ của mình. Vậy thành tựu thật sự đến từ đâu?
Trong giáo lý nhà Phật, có một chân lý đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc có thể giúp bạn đạt được mọi thành tựu trong cuộc sống – Tứ Như Ý Túc. Đây là bốn yếu tố cốt lõi giúp bạn xây dựng một cuộc sống thành công và ý nghĩa. Hãy cùng mình khám phá trong bài viết dưới đây.
Tứ như ý túc là gì?
Tứ Như Ý Túc (hay còn gọi là Tứ Thần Túc) là một khái niệm quan trọng trong giáo lý Phật giáo, mang ý nghĩa sâu sắc về việc giúp con người đạt được sự thành tựu trong cuộc sống, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Từ “Như Ý Túc” có nghĩa là “đạt được những điều mình mong muốn một cách đầy đủ và viên mãn.” Trong Phật giáo, Tứ Như Ý Túc được xem là bốn yếu tố nền tảng để phát triển bản thân và đạt được những mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc đời, từ hạnh phúc cá nhân cho đến sự giác ngộ giải thoát.
Tứ Như Ý Túc bao gồm bốn yếu tố chính:
- Dục Như Ý Túc (Ước nguyện thiết tha) – Khả năng xác định rõ ràng điều mình muốn và tập trung toàn bộ tâm trí vào đó.
- Cần Như Ý Túc (Nỗ lực đúng mức) – Sự cần cù, kiên trì nhưng phải cân bằng, không quá ít nhưng cũng không quá sức.
- Tâm Như Ý Túc (Tâm thiện lành) – Sống với tâm hướng thiện, giữ cho tâm hồn trong sáng và nuôi dưỡng những điều tích cực.
- Quán Như Ý Túc (Trí tuệ sáng suốt) – Hiểu rõ bản chất của sự vật, có khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn dựa trên trí tuệ.
Nguồn ảnh: Lớp Khơi thông dòng chảy thịnh vượng
4 yếu tố để đạt được mọi thành tựu trong cuộc sống
Cho dù bạn là ai, là một nhân viên văn phòng bình thường, một giáo viên, một nông dân hay một tiến sĩ, để đạt được bất kỳ điều gì trong cuộc sống cần có những yếu tố sau:
1. Ước nguyện thiết tha (Đích đến mong muốn)
“Người không có ước muốn sẽ không thể có được những gì mình cần phải có.”
Trong cuộc sống có rất nhiều người lao vào làm mà không biết đích đến của mình, không biết mình mong muốn điều gì. Và rồi cho đến một ngày mới nhận ra rằng mình sống bao nhiêu năm nhưng không có kết quả, không có thành tựu gì hoặc có rất nhiều thứ nhưng lại không phải là cuộc đời mình thực sự mong muốn.
Không đạt được thành tựu hay điều như ý một phần lớn là do chúng ta không biết mình muốn gì, không rõ ràng điều mình muốn mà thôi. Không biết được điều mình muốn thì cả đời bạn chỉ đi lòng vòng mà không đi đến đâu cả. Điều này cũng giống như bạn đi xe vậy, nếu bạn biết mình sẽ đi ra Hà Nội thì xe lúc đó mới chuyển bánh để đi về hướng Hà Nội. Còn nếu không xe sẽ chạy loanh quanh trong vô định mà chẳng biết sẽ đến bến nào..
Đích đến là quan trọng, cho dù bạn làm gì đi nữa hãy luôn bắt đầu bằng đích đến.
Tuy nhiên, đích đến không đơn thuần chỉ là đặt ra cho qua loa, cho có mà đích đến ấy phải là sự biểu lộ của một ước muốn mãnh-liệt, không một chướng ngại nào khởi lên từ bên ngoài hay bên trong có thể ngăn chặn được ước muốn ấy. Phải là một ước nguyện thiết tha.
Vậy thì, việc của bạn là hãy ngồi xuống xem xét xem mình ước nguyện điều gì trong cuộc sống này và ước muốn đó có đủ thiết tha, có thực sự cần thiết cho mình hay không? hay mình chỉ muốn hờ hững, có cũng được mà không có cũng không sao. Tất cả những điều này phải tự bạn mới nhìn ra được. Muốn điều gì thì viết ra điều đó rất rõ ràng (ở bất kỳ khía cạnh nào: Sức khỏe, Mối quan hệ, Tài chính hay Sự nghiệp…) Càng rõ ràng bao nhiêu càng dễ dàng đi đến đó bấy nhiêu. Vì khi biết được đích đến của mình rồi tâm trí mới bắt đầu được kích hoạt để hướng về phía mong muốn ấy. Và theo góc nhìn nhân quả, đích đến rõ ràng chính là một trong những yếu tố đầu tiên quyết định sự thành tựu của con người.
2. Siêng năng (Nỗ lực đúng mức)
Làm bất cứ điều gì cũng cần nỗ lực, nhưng nỗ lực ở đây phải là nỗ lực đúng mức, không thừa, không thiếu và nỗ lực ấy tương xứng và cần thiết trên hành trình đi đến đích mình mong muốn.
Thành tựu có được là đến từ nhiều khía cạnh, nhiều yếu tố, nếu nhìn được tổng thể thì ở mỗi khía cạnh chúng ta chỉ cần nỗ lực ở mỗi khía cạnh 1 chút chứ không cần đầu tắt, mặt tối, làm mọi giá để có được thành tựu như ý muốn.
Sự thật là có nhiều người ra sức làm việc, làm việc rất siêng năng, chăm chỉ nhưng đến cuối cùng cả đời cũng chỉ loay hoay với cơm áo gạo tiền mà không làm gì đc thêm cả. Trong khi đó sống một cuộc đời thật sự là một cuộc mà ở đó chúng ta thong dong, tự tại, sinh động thể hiện tài năng của mình chứ không phải tìm mọi cách để có của cải vật chất. Nếu không có cái nhìn rộng mở, ta sẽ bị dính mắc về điều này. Đời sống này là một sự cân bằng, cân bằng giữa các khía cạnh chứ không phải tập trung vào một thứ quá nhiều.
Như câu chuyện của mình vậy, trong những năm gần đây, mình đã dần định hình được con đường sự nghiệp mình muốn hướng tới – trở thành một người viết, sáng tạo nội dung thực thụ, theo đuổi đam mê viết lách và phát triển bản thân. Để đạt được điều này, mình dành khoảng 2 tiếng mỗi ngày vào việc viết lách. Ngoài ra mình học hỏi thêm những điều mới mẻ khác, dành thời gian thiền định và rèn luyện thể chất. Mình không ép bản thân làm việc quá sức, mà chỉ tập trung vào những việc quan trọng và thực hiện chúng một cách kiên trì, đều đặn.
3. Phước – Đức ( Sống với tâm thiện lành)
Sống với tâm Thiện Lành là nền tảng cho mọi sự thành tựu. Ông bà hay nói “Có đức mặc sức mà ăn” Vì một người có đủ phước, đủ đức tất yếu sẽ có phần, là thành tựu vật chất và tinh thần.

Nguồn ảnh: Unsplash
Trong cuốn sách “Ước mơ của bạn nhất định thành hiện thực”, tác giả người Nhật Inamori Kozudo có đề cập: “Để sống cuộc đời tốt đẹp, tôi khuyên các bạn hãy tham khảo những lời phật dạy: trở thành người có tấm lòng nhân từ, biết thương người, giúp người là điều quan trọng nhất. Nếu biết tu dưỡng thành người có thiện tâm thì có thể sống cuộc đời tuyệt vời tới mức bản thân cũng không thể tưởng tượng nổi. Nếu biết tu dưỡng thì không những sẽ trở thành người có đạo tâm mà mọi điều bất hạnh cũng lánh xa và mở ra cảnh giới tốt đẹp.”
Vậy điều quan trọng là chúng ta cần tập trung là: Làm sao có được Phước – Đức và tu dưỡng thành người có đạo tâm?
Theo kinh sách để lại, Phước (Phước Đức) của một người có được là đến từ những điều sau đây:
- Công phu giúp người, những người đói khổ cần giúp đỡ.
- Cúng dường (Cúng dưỡng): là cung cấp, nuôi dưỡng các bậc tôn kính như ông bà, cha mẹ, những người có công truyền giảng giáo lý đúng đắn, điều hay lẽ phải cho mọi người.
Đức (Công Đức) có được nhờ:
- Công phu thanh lọc nội tâm, tâm được chuyển hóa trở nên cao thượng, thuần khiết (giữ giới trong Đạo Phật)
- Phát triển tuệ giác để thấu rõ sự thật, chân lý trong cuộc sống.
- Dứt trừ mọi phiền não khổ đau.
Tóm lại, để có được thành tựu viên mãn trong cuộc sống, chúng ta cần phải cân bằng giữa việc giúp người và giúp mình. Giúp mình là tập trung cho bản thân mình, thanh lọc nội tâm để không còn keo kiệt, sân si, tham lam. Trong cuộc sống, chúng ta liên tục quan sát nội tâm mình ở mọi hoạt động, thực hành chánh niệm, tỉnh giác để có được sự bình an thật sự. Ước nguyện càng lớn lao thì cần phải sử dụng càng nhiều tâm thiện lành là vậy.
4. Trí tuệ sáng suốt
Người thầy của mình luôn nhắc nhở rằng: “Trí tuệ sẽ được thắp sáng ngay khi bạn tin vào nhân quả.” Vậy trí tuệ là như thế nào?
Theo Wikipedia, trí tuệ là khả năng suy nghĩ và hành động, suy nghĩ hành động dựa nền tảng kiến thức, kinh nghiệm, sự hiểu biết và nền tảng thứ 2 là ý thức chung của cộng đồng, và trên góc nhìn sâu sắc, toàn vẹn vấn đề, biết gì là đúng là sai, cái gì là gốc là ngọn, là bản chất.
Trí tuệ theo định nghĩa của Ngôn ngữ Anh: là năng lực phán đoán đúng đắn đối với vấn đề liên quan cuộc sống và hành vi, nghĩa là hành xử ra bên ngoài.
Còn trong Phật giáo: trí tuệ là hiểu rõ, thấu triệt chân tướng của vạn pháp, thấu hiểu được bản chất của đời sống. Khi hiểu bản chất đời sống thì sẽ biết vận hành cuộc đời theo đúng quy luật như nó đang là. Đời sống là luôn luôn thay đổi: suy nghĩ thay đổi, tâm mình thay đổi, cơ thể vật lý thay đổi. Đó chính là vô thường. Từ thay đổi liên tục khiến con người khổ đau. Mọi thứ do duyên mà thành, hết duyên là tan (Vô ngã). Vô ngã nghĩa là không có gì được coi là vĩnh viễn, mãi mãi, không có gì là nó cả mà luôn luôn có sự kết hợp linh hoạt, do duyên mà thành. Ngay cả cơ thể này cũng do duyên mà thành.
Vậy tóm lại, trí tuệ là khả năng suy luận (biết gì là đúng sai, biết gì là bản chất, cái gì là gốc, cái gì là ngọn để biết tập trung vào đâu…), khả năng giải quyết vấn đề và thích nghi với môi trường để niềm nở đón nhận mọi thứ diễn ra trong cuộc.

Nguồn ảnh: Galina Nelyubova, Unsplash
Khi ta biết đích đến thì sẽ biết cách vận hành cuộc đời mình sao cho phù hợp để đến được đích đến mà mình mong muốn. Đó là hành xử có trí tuệ. Và để đạt được mọi đích đến mong muốn, nếu không có trí tuệ thì nỗ lực và phước – đức cũng trở nên vô nghĩa. Trên hành trình này chúng ta luôn cần được thắp sáng. Thắp sáng này đến từ đâu? Đến từ việc ta hiểu và tin vào nhân quả. Bắt đầu chúng ta sống với ánh sáng, chúng ta có khả năng soi rọi vào vấn đề của mình 1 cách rõ ràng, cái gì là nhân, cái gì là quả, mọi thứ đến từ đâu. Đó là hành trình bắt đầu sống có trí tuệ.
Kết luận
Cuộc sống của mình đã thay đổi rất nhiều kể từ khi biết và áp dụng Tứ Như Ý Túc vào cuộc sống. Từ việc không có định hướng rõ ràng và loay hoay mãi với những công việc không phù hợp, giờ đây mình đã tìm thấy con đường mà mình muốn đi. Mình biết rõ mình cần phải làm gì, mình không còn quá lao lực mà vẫn cảm thấy bình an và hài lòng với cuộc sống.
Nếu bạn cũng đang cảm thấy mất phương hướng, hãy thử áp dụng những gợi ý trên vào cuộc sống của mình. Tứ như ý túc không chỉ là một triết lý đơn thuần mà là công cụ thực sự mạnh mẽ để bạn tìm lại sự cân bằng và hạnh phúc. Bạn không cần phải thay đổi ngay lập tức, chỉ cần từng bước nhỏ, nhưng chắc chắn, bạn sẽ thấy được sự khác biệt.