“Viết lách không chỉ là việc gõ phím hay viết nên chữ. Đó là hành trình khám phá nội tâm, là cuộc đối thoại sâu sắc nhất giữa bạn và chính mình.”
KHOẢNH KHẮC KHỞI ĐẦU
Còn nhớ hồi lớp 6, mình có một bài văn được cô giáo chọn đọc trước lớp và cho 8 điểm – điểm cao nhất của lớp hôm đó. Cả lớp vỗ tay, còn cô giáo nói: “Đây là một bài văn rất chân thành và mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc.”
Mình không nghĩ mình từng cảm thấy tự hào và xúc động đến vậy. Khoảnh khắc đơn giản ấy đã tạo nên một điều gì đó rất đặc biệt: niềm tin rằng những gì mình viết ra có thể chạm đến người khác, niềm tin rằng mình có giá trị cho cuộc sống này. Ánh mắt ngưỡng mộ của bạn bè đã cho mình thấy sức mạnh của những con chữ.
Kể từ đó, mình bắt đầu viết thường xuyên hơn. Mỗi khi có cảm xúc mạnh mẽ, mình đều viết xuống một vài điều gì đó. Đến năm cấp 3, mình tự viết một tập truyện, dài 20 trang A4, mang tên “Bàn có 3 chỗ ngồi”. Có những đêm ngồi viết đến khuya, cứ như thể nếu không viết ra, những cảm xúc và suy nghĩ sẽ chẳng có chỗ nào để đi.
Đấy là lúc mình bắt đầu nhận ra: viết không chỉ để người khác đọc, mà còn là cách để mình diễn đạt cảm xúc và những ý tưởng trong đầu thành một điều gì đó hữu hình.
HÀNH TRÌNH VIẾT LÁCH CỦA MÌNH
Hành trình viết của mình có những giai đoạn gián đoạn dài. Cuộc sống cuốn đi, giữa công việc bận rộn và gia đình. Nhưng thú vị là bằng cách nào đó mình luôn duy trì việc viết, viết khi có điều gì đó tự hào muốn chia sẻ, viết khi có nỗi buồn sâu thẳm cần giải tỏa, hay mỗi khi cảm thấy lạc lối, mình lại tìm về với việc viết.
Khi sinh bé Mila, tưởng chừng sẽ không còn thời gian cho bất cứ điều gì nữa. Vậy mà chính thời gian đó lại là cơ hội để mình khám phá ra rất nhiều điều thú vị. Mình tự hỏi: “Lỡ sau này con hỏi mẹ thích gì? Ước mơ của mẹ là gì?” xong mình không trả lời được. Nghĩ đến viễn cảnh đó thôi đã thấy bế tắc rồi!
Và rồi mình bắt đầu hành trình tìm kiếm ước mơ của bản thân, cuối cùng mình nhận ra rằng: thứ mình yêu thích vẫn là VIẾT. Mình bắt đầu quay trở lại với việc viết, từ những status Facebook với 5 lượt like, đến những bài viết được hàng trăm lượt tương tác, và gần đây nhất, ebook đầu tay “Plan B” về sự chuẩn bị cho bước chuyển đổi công việc.
Mình rất ấn tượng với câu nói của Murakam khi bàn về việc viết: “Bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người, vì vậy hãy làm hài lòng chính mình”. Đó là khoảnh khắc mình quyết định viết một cách nghiêm túc và có định hướng hơn – không phải vì ai đó, mà trước hết là vì chính mình.
VIẾT ĐỂ LƯU GIỮ KỶ NIỆM VÀ ĐỂ LẠI DI SẢN
Khi bố mình mất, điều mình tiếc nuối nhất là ông chỉ để lại vài dòng chữ nghuệch ngoạc trên một cuốn sổ ghi dở. Những dòng ghi chép về tình hình kinh tế gia đình, một vài dòng dặn dò quan tâm mẹ nếu bố mất, và đôi ba suy nghĩ rời rạc.
Mình đã ôm cuốn sổ ấy đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, cố gắng tìm kiếm thêm một chút dấu vết, một chút suy nghĩ, cảm xúc của bố. Mình tự hỏi: “Bố đã cảm thấy thế nào khi mình chào đời? Bố có những ước mơ gì mà chưa thực hiện được? Bố đã nghĩ gì về cuộc đời này?” – Những câu hỏi mà có lẽ mãi mãi sẽ không có lời giải đáp.
Từ đó, mình nhận ra: khi chúng ta viết, chúng ta không chỉ viết cho hiện tại. Chúng ta còn viết cho tương lai, cho những người sẽ đến sau chúng ta. Mỗi trang viết là một phần di sản mà chúng ta để lại – một cách để tiếng nói của chúng ta vẫn còn vang vọng, ngay cả khi chúng ta không còn nữa.
Mỗi lần ngồi viết, mình thường tự nhủ: “Nếu mai này mình không còn, Mila sẽ biết gì về mẹ của con qua những dòng chữ này?” Và điều đó đã trở thành động lực to lớn giúp mình tiếp tục viết, dù có bận rộn đến mấy.
TẠI SAO BẠN NÊN VIẾT?
Nhiều người nổi tiếng đã định nghĩa viết lách theo cách riêng của họ. Warren Buffett cho rằng viết lách là cách giúp ông thanh lọc suy nghĩ. Bill Gates chia sẻ viết là quá trình ông nhìn lại những gì đã xảy ra và đánh giá suy nghĩ trong ngày.
Hemingway nổi tiếng với phong cách viết ngắn gọn và mạnh mẽ. Ông cho rằng viết lách là một cách để ghi lại những trải nghiệm và cảm xúc của con người. Hemingway từng nói: “Viết lách, vào lúc tốt nhất của nó, là một cuộc sống cô đọng.” Đối với ông, việc viết là một nỗ lực để nắm bắt những khoảnh khắc chân thật của cuộc sống.
Rowling, tác giả của loạt truyện “Harry Potter,” coi viết lách là một cách để khám phá và thể hiện trí tưởng tượng. Bà tin rằng viết lách là một phương tiện để tạo ra những thế giới mới và để truyền tải những thông điệp quan trọng về cuộc sống và nhân loại.
Còn với mình, viết lách là phương tiện để khám phá nội tâm và cái tôi của con người, giúp hiểu mình, hiểu người và tạo cơ hội để người khác hiểu mình hơn. Viết lách là cách ghi lại những trải nghiệm và cảm xúc của con người, tạo ra những câu chuyện cần được kể và để mang lại tiếng nói cho những ai không có cơ hội thể hiện bản thân.
Viết mang lại nhiều lợi ích mà có thể bạn chưa nghĩ tới:
1. Viết giúp bạn hiểu rõ bản thân hơn
Bạn có bao giờ cảm thấy những suy nghĩ trong đầu như một mớ bòng bong, mỗi khi cố gắng giải quyết lại càng rối thêm? Đó chính là lúc viết lách trở thành công cụ tuyệt vời nhất.
Trong triết lý phương Đông, có câu: “Khi tâm tĩnh lặng, nước hồ trong vắt, bạn mới nhìn thấy được đáy hồ.” Viết lách chính là cách để lắng đọng tâm trí, cho những cặn bẩn, những suy nghĩ vẩn đục lắng xuống.
Khi đào sâu suy nghĩ qua việc viết, bạn sẽ khám phá ra nhiều điều bất ngờ về chính mình. Đôi khi, chính trong quá trình viết, chúng ta mới nhận ra điều ta thực sự cảm thấy hoặc tin tưởng. Dần dần, viết giúp chúng ta hiểu hơn về con người và các giá trị mình theo đuổi. Từ đó, chúng ta có thể sống tỉnh thức hơn và hạnh phúc hơn trong hiện tại.
2. Viết giúp cải thiện sức khỏe tinh thần
Mình nhớ đã đọc ở đâu đó rằng: khi viết về trải nghiệm tiêu cực, chúng ta kích hoạt vùng não liên quan đến xử lý cảm xúc, giúp giảm bớt ảnh hưởng của những sự kiện tiêu cực đó.
Thật vậy, có những tổn thương, dù lớn hay nhỏ, đều có thể trở thành gánh nặng vô hình cản trở bước tiến của bạn. Viết lách là cách để bạn đối diện với nỗi đau, với những vết thương mà không cần phải nói ra với người khác.
Mình còn nhớ cảm giác nhẹ nhõm khi viết về nỗi tự ti của mình, về những lần cảm thấy mình không đủ tốt. Chỉ đơn giản là viết ra, không phán xét, không cố gắng tô vẽ hay biện minh – và kỳ diệu thay, viết đã giúp mình cảm thấy an ổn hơn.
3. Viết để lưu giữ ký ức và kết nối
Trí nhớ rất mong manh. Viết giúp bạn lưu lại những khoảnh khắc quý giá mà theo thời gian, chúng sẽ mờ dần trong tâm trí. Những chi tiết nhỏ, cảm xúc, màu sắc, mùi hương của một kỷ niệm – tất cả có thể được bảo tồn qua con chữ.
Trong thời đại số, nơi mọi người kết nối qua màn hình, viết có thể là cách để bạn chạm đến trái tim của người khác. Mỗi khi mình chia sẻ về những thử thách, những bài học cuộc sống, mình ngạc nhiên khi nhận ra có bao nhiêu người đã trải qua những điều tương tự.
Một bạn độc giả từng nhắn tin cho mình: “Chị không cần phải là nhà văn nổi tiếng, những gì chị viết đã chạm đến trái tim em” – và đó chẳng phải là bản chất của việc viết lách sao?
4. Viết để định hình ước mơ và dễ dàng ra quyết định
Việc viết ra ước mơ, mục tiêu và kế hoạch của bạn không chỉ là “điều ước tốt lành” – mà là bước đầu tiên để biến chúng thành hiện thực. Nghiên cứu từ Đại học Dominican (California) đã chỉ ra: chỉ cần viết xuống điều mình mong muốn, khả năng biến nó thành hiện thực đã tăng lên 42%.
Khi viết xuống mục tiêu và những điều bạn mong muốn qua 4 khía cạnh: Sức khỏe, Mối quan hệ, Tài chính, và Sự nghiệp, mình đã tạo ra một “bản thiết kế” cho cuộc đời mình. Và khi đã có bản thiết kế này, mọi quyết định đều trở nên rõ ràng hơn.
5. Viết giúp giao tiếp tốt hơn và làm việc hiệu quả hơn
Khi viết, bạn phải chọn lọc từ ngữ và kết nối chúng một cách có chủ đích để diễn đạt chính xác điều mình muốn truyền tải. Quá trình này buộc bạn phải sắp xếp ý tưởng, xây dựng lập luận và tìm dẫn chứng phù hợp. Nhờ đó, khả năng, giao tiếp, trình bày và biểu đạt suy nghĩ dần được cải thiện, ngay cả với những ý tưởng phức tạp.
Không chỉ vậy, bằng cách viết ra kế hoạch, ghi chép tiến độ, bạn có thể biến các mục tiêu lớn thành những nhiệm vụ cụ thể và khả thi. Bạn có thể theo dõi, rà soát quá trình thực hiện và điều chỉnh kịp thời. Nhờ cách tiếp cận có hệ thống này, việc hoàn thành mục tiêu trở nên dễ dàng và có tính khả thi cao hơn.
Viết mang đến cho bạn nhiều hơn, hết thảy những điều trên
Đó chính là trạng thái bình an và hạnh phúc. Khi những gì diễn ra bên trong được hiện thực hóa thành con chữ ra bên ngoài, bạn như trở thành một người khác, một lớp bụi của dòng suy nghĩ hỗn độn được gột bỏ. Chẳng phải vì thế sẽ khiến bạn nhẹ nhõm hơn sao?
Viết còn được xem là một phương pháp Thiền động. Thiền đơn giản là tĩnh lặng và chú tâm vào một đối tượng nào đó và khi viết cũng vậy, bạn tập trung vào dòng suy nghĩ, ý tưởng của mình và viết nó xuống. Khi bạn tập trung viết, bạn dễ dàng chạm đến trạng thái tĩnh lặng nội tâm, khi ấy bạn quan sát mình được rõ hơn, nét hơn,…dần dà bạn tìm được sự bình an đích thực trong giây phút hiện hữu đó.
CÁCH BẮT ĐẦU HÀNH TRÌNH VIẾT LÁCH
Bước 1: Tạo không gian và thời gian
Không cần một căn phòng riêng như Virginia Woolf đề xuất, nhưng bạn cần một góc nhỏ – có thể là chiếc bàn bên cửa sổ, hay một góc yên tĩnh trong phòng khách vào buổi sáng sớm.
Hãy dành ra 15-30 phút mỗi ngày, có thể là vào buổi sáng khi tâm trí còn trong trẻo, hoặc buổi tối khi mọi người đã ngủ. Đây là thời gian thiêng liêng của bạn, không phải để đọc tin tức hay lướt mạng xã hội, mà chỉ để viết.
Bước 2: Vượt qua rào cản tâm lý
Nỗi sợ lớn nhất khi bắt đầu viết là “mình không viết đủ hay”. Nhưng như nhà văn Anne Lamott nói trong cuốn “Bird by Bird”: “Viết bản thảo đầu tiên tệ không sao. Tất cả chúng ta đều viết những bản thảo đầu tiên tệ hại. Đó là lý do chúng được gọi là bản thảo đầu tiên”.
Hãy nhớ lời của Nora Roberts: “Bạn cần phải có 3 ‘K’: Kiên trì, Kỷ luật và Khao khát. Nếu thiếu đi một trong những điều này thì dù có giỏi đến mấy, sẽ rất khó khăn để bạn có thể hoàn thành mọi việc, với tư cách là một người viết.”
Bước 3: Bắt đầu với những bài tập đơn giản
- Morning pages: Ngay khi thức dậy, viết 3 trang về bất cứ điều gì đi qua tâm trí. Không cần cấu trúc, không cần chỉnh sửa. Đây là cách làm “sạch” tâm trí và kích hoạt sự sáng tạo của bạn mỗi ngày. Hãy thử trong 7 ngày liên tiếp, bạn sẽ ngạc nhiên về những gì mình khám phá ra.
- Nhật ký biết ơn: Mỗi ngày viết ra 3-5 điều bạn biết ơn. Đơn giản nhưng hiệu quả để chuyển hướng tâm trí về những điều tích cực.
- Viết thư cho bản thân: Viết một lá thư mỗi tuần – cho bản thân, cho những người bạn yêu thương, hoặc thậm chí cho người bạn chưa từng gặp. Bạn không nhất thiết phải gửi những lá thư này. Đôi khi, chính quá trình viết mới là điều quan trọng nhất.
Bước 4: Phát triển thói quen viết đều đặn
Thói quen luôn là chất liệu định hình cuộc đời của mỗi người. Hãy tạo thử thách viết trong 30 ngày liên tục:
- Không ngắt quãng
- Không trì hoãn
- Không bỏ cuộc
Bạn có thể dành 30 phút mỗi ngày để viết liên tục trong 30 ngày tới không? Đây là cách tuyệt vời để hình thành thói quen viết lách bền vững.
Tìm người đồng hành hoặc nhóm viết để duy trì động lực. Khi bạn biết có người đang chờ đợi để đọc những gì bạn viết, bạn sẽ có thêm động lực để tiếp tục.
LỜI MỜI HÀNH ĐỘNG
Viết lách, suy cho cùng, không chỉ là về những từ ngữ hay bố cục. Đó là về sự chân thành, về can đảm để đối diện với chính mình, và về khát khao được hiểu và kết nối.
Tôi tin rằng, mỗi người đều có một câu chuyện đáng được kể, một góc nhìn độc đáo về cuộc sống. Và những câu chuyện ấy, khi được viết ra, không chỉ làm phong phú thêm cuộc sống của bạn mà còn có thể chạm đến trái tim của người khác theo những cách mà bạn không thể tưởng tượng.
Hãy bắt đầu ngay hôm nay. Không cần phải hoàn hảo, không cần phải vĩ đại. Chỉ cần bắt đầu.
“Có những thứ quý giá nhất lại nằm ở những điều đơn giản nhất.” – Và đôi khi, điều đơn giản nhất chính là cầm bút lên và viết.
Và bạn, bạn sẽ viết gì trong trang đầu tiên của hành trình khám phá bản thân?
Lan Nguyên